Điểm báo

Nước hồ thủy điện Đa Nhim và Hàm Thuận thấp hơn mực nước dâng bình thường

Thứ hai, 13/1/2020 | 09:08 GMT+7
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 cho biết, mực nước các hồ do Công ty quản lý tại thời điểm 31/12/2019 đều thấp hơn mực nước nâng bình thường; trong đó, hồ Đa Nhim là 1039,29m, thấp hơn 2,7m; hồ Hàm Thuận là 603,21m thấp hơn 1,79m.

Hồ thuỷ điện Hàm Thuận (Công ty Thuỷ điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Theo dự báo của các Trung tâm khí tượng thủy văn, lưu lượng nước về các hồ chứa trong năm 2020 không thuận lợi, lưu lượng nước về hồ thấp, ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện và cấp nước hạ du. Mặc khác, việc phân bổ sản lượng Hợp đồng cao cũng làm ảnh hưởng đến doanh thu của Công ty.

Bên cạnh đó, doanh thu tăng thêm từ hoạt động thị trường điện ngày càng khó khăn do phải cạnh tranh nhiều hơn giữa các nhà máy điện với các quy định ngày càng thắt chặt. Đồng thời, các tổ máy phát điện còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố như: Stator, máy biến áp chính các tổ máy phát điện Đa Mi; hệ thống kích từ, điều tốc các tổ máy 1, 3 Sông Pha; Hệ thống thiết bị điều khiển, kích từ, điều tốc, bảo vệ các tổ máy Đa Mi…

Ông Phạm Viết Hùng, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Phát điện 1 cũng nhìn nhận những khó khăn trong quá trình vận hành thị trường điện và thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai theo Quyết định số 1895/QĐ-TTG ngày 25/12/2019 Thủ tướng Chính phủ làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2020.

“Năm 2019, các tổ máy của Công ty đã vận hành ổn định, tuy nhiên sang năm 2020 vẫn cần tăng cường quan trắc để tránh phát sinh các rủi ro”, ông Hùng nói.

Nhìn nhận các khó khăn, thách thức trên, năm 2020, Công ty đặt mục tiêu sản xuất hơn 2,7 tỷ kWh, tăng 45,2 triệu kWh so với mức thực hiện năm 2019.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Lê Văn Quang, Công ty sẽ tăng cường kỷ luật trong quản lý vận hành, kỹ thuật, đảm bảo các tổ máy sẵn sàng phát điện, hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Cùng với việc phân công, theo dõi chặt chẽ tình trạng hệ thống thiết bị, công trình; có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ xảy ra sự cố. Các nhà máy cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng và các phương án xử lý sự cố; xử lý nhanh chóng, chính xác các sự cố khách quan, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố chủ quan.

Bên cạnh đó, Công ty rà soát, cập nhật và hoàn thiện các phương án kỹ thuật đối với việc bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp; tổ chức đấu thầu mua sắm kịp thời, đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu. Nâng cao chất lượng sửa chữa lớn từ giai đoạn khảo sát, lập phương án thiết kế, lập kế hoạch đến giai đoạn nghiệm thu vận hành. Song song với đó, thực hiện tốt lịch kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, hệ thống thiết bị, công trình…

Công ty cũng nghiên cứu, đánh giá chất lượng, kiểm định năng lượng đối với thiết bị, tổ máy đặc biệt đối với các thiết bị đã vận hành trên 10 năm để có kế hoạch cải tạo, nâng cấp phù hợp nhằm vận hành ổn định lâu dài. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các quy định về vận hành thị trường điện; hệ thống truyền tải, phân phối, trào lưu công suất, nhu cầu của phụ tải, tình trạng các nhà máy điện…; vận dụng linh hoạt các quy định phù hợp với điều kiện thực tế để đạt doanh thu, lợi nhuận cao nhất.

Mặt khác, Công ty còn thường xuyên trao đổi và phối hợp Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, xây dựng các bản chào khoa học, tối ưu nhất về doanh thu, lợi nhuận và kết hợp các công tác khác có liên quan đến thiết bị.

Ngoài ra, Công ty phối hợp chặt chẽ với A0, các địa phương trong công tác vận hành, khai thác hồ chứa, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong phát điện và cấp nước hạ du, tích nước hồ chứa đạt mực nước cao nhất vào cuối năm.

Theo Tổng Giám đốc Lê Văn Quang, năm nay, Công ty tiếp tục quản lý chặt chẽ lực lượng lao động; bố trí, phân bổ lực lượng lao động hợp lý, phù hợp với công việc để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đề án nâng cao độ tin cậy và hiệu quả vận hành các tổ máy phát điện nhằm tăng hiệu quả vận hành tối đa của thiết bị và giảm chi phí trong bảo dưỡng sửa chữa; áp dụng sửa chữa theo RCM (nâng cao độ tin cậy).

Ngoài việc thực hiện tiết kiệm chi phí trong sản xuất; tổ chức mua sắm tập trung; tổ chức đấu thầu/chào hàng rộng rãi qua mạng, hạn chế tối đa chỉ định thầu hoặc mua sắm trực tiếp trong đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị, Công ty còn xây dựng định mức vật tư thiết bị dự phòng cho sản xuất điện, sử dụng hiệu quả vật tư thiết bị tồn kho. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ chi phí và sử dụng hiệu quả dòng tiền; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong  quản lý và dây chuyền sản xuất để tối ưu hóa chi phí.

 

Mai Phương (TTXVN)